Thứ sáu, 19/04/2024 - 23:22|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường Mầm non Hoa Ngọc Lan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KÝ ỨC!

     Ngày ra trường (tháng 9/1986), tôi hăm hở đi nhận quyết định để bắt đầu cho sự nghiệp “Trồng người”. Trong đầu tôi lúc ấy suy nghĩ với bao ước mơ vạch ra cho mình. Hôm sau, tôi lên đường để trình quyết định, tâm trạng hồi hộp, lo lắng đạp chiếc xe đạp cũ kĩ để nhận công tác tại trường Tiểu học Hòa Bình 2 (nay là trường Tiểu học Nguyễn Trãi).

 

         Mãi suy nghĩ, tôi đến cổng trường lúc nào không hay! Đứng trước cổng trường một lát, tôi cũng kịp quan sát ngôi trường. Chiếc cổng trường không giống như trong tưởng tượng của tôi “to, cao” mà chỉ là mấy thanh sắt cũ hàn lại và được quấn vài vòng kẽm gai để chắc chắn hơn. Nhìn chiếc cổng, lòng hơi chùn lại, chán nản thoáng qua trong đầu những đã đến nơi phải vào thôi! Bên trong sân trường là khoảng đất rộng lác đác ít cỏ, không phải là sân bê tông như những ngôi trường hiện nay trong thành phố, dãy phòng học hình L đơn sơ đang xuống cấp trầm trọng. Một số phòng học được xây tường gạch nhưng đã loang lổ, một số phòng vách ván ghép lại, nền phòng xi măng đã dần nứt ra bung bụi đất trông nhem nhuốc. Tôi đi dọc hành lang phòng học và hỏi thăm các cô giáo để đến phòng Hiệu trưởng. Phòng Hiệu trưởng nằm cách biệt với các dãy lớp. Bước vào là một căn phòng nhỏ, màu vôi đã bạc theo năm tháng, quanh tường một vài giấy khen khung gỗ cũng ngả màu, chính giữa phòng là bộ bàn ghế. Thầy hiệu trưởng đang ngồi làm việc. Lúc ấy tim tôi đập thình thịch rồi lí nhí: “Em chào thầy, em trình Quyết định nhận công tác tại trường này.” Thầy ngước mắt nhìn tôi nghiêm mặt: “Em ngồi ghế đi” (Đến giờ tôi vẫn nhớ ánh mắt và giọng nói nghiêm nghị làm tôi sợ! Có lẽ lúc ấy còn quá trẻ nên bản tính nhút nhác vẫn còn trong tôi). Tay tôi vụng về lấy tập hồ sơ đưa thầy hiệu trưởng, thầy đọc tất cả giấy tờ và quyết định nhận công tác của tôi, rồi nói: “Trường này có nhiều điểm lẻ trong làng, mới ra trường phải đi xa một thời gian cho quen rồi sau đó thầy điều về điểm chính này nhé! Tôi sợ muốn khóc nhưng ráng kiềm chế. Lúc ấy, tôi cũng không biết xa bao nhiêu chỉ nghe mấy cô giáo trong trường diễn tả đoạn đường đi khó khăn mà phát khiếp!

     Sau đó, về nhà suy nghĩ, đắn đo không biết nên theo nghề hay bỏ nghề, trong lòng ngổn ngang nhưng cuối cùng tôi nghĩ: “Mọi người làm được tại sao mình lại không được? Cứ xem sao!” Thế là sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm lọc cọc đạp xe xuống trường cùng một cô giáo lớn hơn tôi (nay cô đã nghỉ hưu) có nhiệm vụ hướng dẫn giúp tôi vào điểm lẻ để dạy học (năm đó tôi được phân công dạy lớp 3). Trên đường đi, tôi mới cảm nhận hết những vất vả mà các cô giáo đi trước khổ như thế nào để đem kiến thức cho học sinh vùng khó khăn. Con đường đất vừa hẹp, vừa bủn đất lại nhầm tháng mưa nên lầy khó tả. Hai chị em chúng tôi phải bỏ dép vác chiếc xe đạp để lội sình cả đoạn dài toát cả mồ hôi, đạp tiếp một đoạn lại đến vùng trũng nước ngập tới hông, chúng tôi lại vác xe lội bì bõm dưới nước đục ngầu mà phát khiếp. Sau đó đến đoạn leo dốc cao, chúng tôi lại gò lưng dắt xe leo dốc, đường trơn khó đi làm sao! Cuối cùng cũng đến nơi mà tôi mệt hụt hơi, tôi nghĩ: “Chắc bỏ nghề thôi!” Lớp tôi đến dạy chỉ là một ngôi nhà sàn nhỏ chứa chỉ được 20 học sinh (nhưng lúc ấy lớp tôi chủ nhiệm chưa tới 20 em, 90 % là học sinh dân tộc thiểu số còn lại là các em người Kinh ở vùng kinh tế mới). Vào lớp, học sinh e dè nhìn tôi rồi cũng chào cô giáo. Nhìn một vòng những khuôn mặt của các em, tôi chạnh lòng vì các em quá nghèo, quần áo nhem nhuốc, thậm chí một số em mặt còn dính dầy nhọ nồi. Tôi cười, hỏi thăm các em và bắt đầu tiết dạy đầu tiên của mình, tiết dạy cũng gặp khó khăn vì tôi chưa nghe quen giọng nói lờ lợ của các em nên có phần “cháy giáo án”. Trong thời gian đầu tôi phát hiện các em rất gần gũi và mến cô giáo, tụi trẻ thích cô hỏi thăm, vuốt đầu và kể chuyện trong giờ ra chơi. Nơi này không có sân nên giải lao cô trò chúng tôi chỉ ngồi trong nhà sàn để trò chuyện với nhau. Thế là thời gian cứ trôi qua, hình ảnh ngây thơ của học trò khiến tôi quên bẵng suy nghĩ: “Bỏ nghề”. Ngày nối ngày, tôi được phân công trở về điểm chính của trường để giảng dạy. Nhờ sự quan tâm của đồng nghiệp và Ban Giám Hiệu, tôi trưởng thành hẳn và bắt đầu tham gia tích cực các phong trào lớn của ngành và gặt hái nhiều thành công cho mình. Giờ đây, đã qua 32 năm công tác giảng dạy, một thời gian quá dài để nghĩ về những ký ức của mình, tôi cảm nhận được hạnh phúc của một người giáo viên là đem kiến thức đến cho học sinh để từng lớp học trò của mình có thể trưởng thành, trở nên người có ích cho xã hội.

           Giáo viên như một người lái đò, chúng ta cần nắm vững tay chèo để mỗi năm một chuyến đò lại cập bến. Cảm ơn những năm tháng đã qua! Bản thân tôi đã trưởng thành, được nhiều kinh nghiệm và tự tin trong nghề dạy học của mình. Nhớ mãi ký ức này!


Tác giả: TRƯỜNG TH PHAN CHU TRINH
Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
TRA CỨU THÔNG TIN
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 12
Hôm qua : 7
Tháng 04 : 234
Năm 2024 : 3.004